0

CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

  •  Lịch sử ngày 20-10, ngày Phụ nữ Việt Nam

    Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

    Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ Việt Nam là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

    (ảnh sưu tầm internet)

    Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ Việt Nam như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:

    – Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

    – Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.

    – Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

    – Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

    – Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ Việt Nam phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

    Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

    Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.

    (ảnh sưu tầm internet)

    Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.

    Kể từ khi các tổ chức phụ nữ tiền thân ra đời, người phụ nữ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng phá tan thành trì phong kiến, đánh dấu mốc son lịch sử trong vấn đề bình đẳng giới được xác lập và định chế bằng Hiến pháp và Pháp luật. Tất cả quyền bính trong nước là của nhân dân Việt Nam. Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

    Bác Hồ coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đến nay phụ nữ đã bình đẳng với nam giới về quyền hạn và nghĩa vụ cả trong gia đình và ngoài xã hội. Có thể nói, những cơ sở pháp lý đó đã thật sự mở ra những cơ hội mới cho phụ nữ Việt Nam trên con đường phát triển. Ðã có hàng trăm công ty, xí nghiệp có uy tín cao trên thị trường trong nước và quốc tế do phụ nữ lãnh đạo. Nhiều chị đã nhận được giải thưởng cao quý của Nhà nước. Lao động nữ trong nhiều ngành đã được công nhận là có chất lượng và kỹ thuật tốt. Phụ nữ tham gia lãnh đạo trong các cơ quan Ðảng , Nhà nước và các đoàn thể xã hội ngày một nhiều.

    Trên cơ sở ấy, ý nghĩa của tam tòng trong cuộc sống ngày nay cũng như thân phận người phụ nữ Việt Nam đã hoàn toàn được hoán cải. Cũng là tòng phụ nhưng tòng phụ ngày nay chỉ đơn giản là lễ phép, vâng lời cha mẹ, hiếu thảo với ông bà, kính trên nhường dưới, không còn mang nội dung của thói gia trưởng, với quyền lực tuyệt đối mang tính áp đặt trong gia đình thuộc về người cha.

    Ngày nay con cái có quyền tham gia bàn bạc cùng cha mẹ những vấn đề của gia đình. Tòng phụ cũng không còn là ép duyên, bán gả con gái. Hôn nhân ngày nay được xây dựng trên cơ sở tình yêu tự nguyện. Tòng phu ngày nay cũng không nhất thiết người con dâu phải sống chung cùng gia đình nhà mẹ chồng. Vì thế hệ trẻ ngày nay năng động và đầy tính tự lập. Hơn nữa hình mẫu gia đình hạt nhân đang có chiều hướng phát triển mạnh. Mẹ không nhất thiết phải ở với con trai. Tất cả đã được pháp luật, sự tiến bộ của nhận thức quy định và bảo vệ…

08.1900 3124
zalo